Truyện ngắn: Suối lận dòng

24/03/2019 - Đăng bởi : hoaiangroup hoaiangroup

Hồi xưa dòng nước chảy qua xóm núi nầy là một con suối nhỏ, trong veo, đầy cát, có chỗ lưng nước vừa xăm xắp bàn chân, chỗ sâu nhất cũng chỉ tới ngang lưng quần của một người lớn có chiều cao trung bình. Người ta khoanh con suối thành từng đoạn nhỏ, mỗi khúc lại có một bờ be sẵn bằng thân chuối và cột cây rừng để thường xuyên dẫn nước vào cánh đồng ở lưng chừng chân núi. Con suối vì thế từ khi sinh ra đã không có được dáng vẻ tự nhiên bình thường. Dòng nước thanh khiết bắt đầu từ đâu đó trên đỉnh núi này chảy tầng qua mỗi đoạn theo chiều cao của những thớ ruộng liền kề nhau. Cứ mỗi khúc be bờ, ngay bên dưới mực nước sẽ cạn hều rồi sâu dần theo lòng suối, ụ đầy nước và trở thành địa điểm lý tưởng cho con be kế theo. Người trong xóm núi chia đoạn con suối một cách hồn hậu và điềm nhiên vậy, không có bất cứ dấu vết nào của sự sắp xếp như thể ông trời sinh ra địa thế của cái xóm này đều đã tính toán hết trước và nó hạp tính với hết thảy những con người được sinh ra, sống ở đây hoặc sau này theo vợ theo chồng đến sống ở đây.

Xóm có mươi nóc nhà, bà con dây mơ rễ má với nhau hết trọi. Trung tâm của khu dân cư là khóm nhà của 2 anh em nhà Ba Xuân bao bọc lấy tổ ấm của cô em gái cưng. Họ mồ côi cha sớm từ hồi còn trong chiến tranh, nhân một buổi chiều ông đi lùa bò trên núi về, gặp lính và tự nhiên bị bắn chết. Mồ ông xanh cỏ, lụi đi mấy lần rồi được đắp lên mà bà vợ nhỏ thó vẫn ở vậy đến giờ. Có điều sau đó bà có thêm một đứa con rơi, cô Út, được sinh ra cái chết của chồng bà gần 3 năm. Cả xóm biết thừa, hai ông con trai của bà biết thừa Út không chung cha với hai người con trai đầu. Nhưng cuộc đời của mỗi người trong thời kỳ lính đi càn khắp đồng, gặp ai thích bắn bắn, ưng tha thì tha đó, không ai buồn ngó ngàng đến lỗi lầm của bà với người chồng vừa khuất. Chuyện máu lạc dòng trong nhà bà dễ chấp nhận đến mức, đám giỗ chồng bà sau này do một tay cô Út lo liệu.

Người ta nói chiến tranh tàn phá và để lại nhiều hệ lụy. Cái xóm núi nầy cũng không nằm ngoài dự luật đó của cuộc cân đo bom đạn và thị uy sức mạnh thống trị. Nhưng cái lạ lùng của nơi đây khiến người ta nghĩ nhiều khi, xả súng, quăng bom cũng có thể là phép màu, theo cách nghĩ bàng quan nhất của những cái đầu siêu hài. Sau những cuộc tình gá ghép, giờ ở xóm núi nhà nào cũng có bà con với nhau theo kiểu con ông con bà, anh em cột chèo của ông anh cùng cha khác mẹ của vợ…

***

Sau hòa bình, Sáu Hỏn xách chiếc ba lô vỏn vẹn còn lại 2 bộ đồ bộ đội lành lặn, mũ cối cột toòng teng một bên thắt lưng với lỉnh kỉnh từ vành tai xuống tới mắc cá chân nào cà-mên, nào ca sắt, nào chén muỗng chế tác từ vỏ đạn, nắp thùng phuy…Vợ Sáu Hỏn te te ẵm xốc đứa con gái lớn chân đã chạm đất từ trên hông mẹ ra đón chồng. Bà con trong xóm núi hùa về chúc tụng. “Chô, bộ chén muỗng ngon lành dữ. Biết vậy hồi hay đi bộ đội có khi giờ nhà tui cũng có bộ y chang.”; “Tội con Nhồng không sống thêm vài tháng để gặp thằng cha nó”…

Người ta trầm trồ mân mê mũ nón, tay chân Sáu Hỏn chán chê rồi về. Còn lại Sáu Hỏn trong căn nhà 5 gian thừa kế từ đời ông nội Sáu Hỏn, vốn là một tay điền chủ say mê làm ăn chính hiệu. Dưới bếp, vợ Sáu Hỏn ngồi thừ trên chiếc võng dù mới được cột quàng qua 2 cây cột giữa nhìn mải miết vô bếp lửa nấu nồi nước. Trên mắt vợ Sáu Hỏn nước mắt còn chưa kịp khô. Sáu Hỏn đứng ở bậc cửa giữa nhà, hết nhìn chừng vợ rồi lại đau đáu ngó lên chiếc bàn thờ giản tiện hết cỡ đang cháy cuộn từng cây nhang trước di ảnh của con gái ông.

Bữa cơm tối hôm đó, Sáu Hỏn ngồi hỏi hết tình hình trong xóm và lựa lời nói một câu an ủi vợ:

- Thôi, bà đừng buồn. Tui thấy mình còn may ớn! Bao nhiêu ông xung phong ở lại tham gia sản xuất, từ Chín Cường tới Năm Xuôi rồi Tám Mến đều chết vì giặc cả. Mình tui bị bắt đi bộ đội, bỏ mẹ con bà bơ vơ nhưng cuối cùng trời thương nên tôi sót lại mà về.

Vợ sáu Hỏn òa lên, vừa cười vừa khóc vừa gật đầu vừa lắc đầu. Đó là lần đầu tiên từ khi vợ chồng sum vầy, Sáu Hỏn thấy vợ cười. Ông nghĩ mình cũng nên mừng, dẫu lúc đó ông không có ngôn từ nào để thật sự cắt nghĩa được nụ cười tắm đầy nước mắt ấy của vợ. Mà cũng không dễ gì mà hiểu được!

***

Mỗi năm Sáu Hỏn đều đi sinh hoạt cựu chiến binh nhân ngày thương binh liệt sĩ nhưng ngoài số tiền thưởng lễ trên một trăm ngàn tăng thêm mười ngàn mỗi năm, người ta thấy niềm tự hào chiến đấu trong ông héo dần đi. Sự thật là mỗi lần đi họp mặt cựu chiến binh, Sáu Hỏn đi một mình và về cũng một mình. Từ khi phục viên, Sáu Hỏn chưa từng được gặp lại ai trong số 6 đồng đội còn sống của tiểu đội cũ. Như một lẽ đương nhiên, vì ngày xưa Sáu Hỏn đóng quân ở vùng Tây Nam Bộ, sau vì một nhiệm vụ đặc biệt, tiểu đội của ông còn di chuyển xuống tận Ấp Bắc, Cai Lậy… Bây giờ Sáu Hỏn ở đây, trên miền đất cha sinh mẹ đẻ của ông và cách xa ký ức chiến khu cả ngàn cây số. Tin tức duy nhất Sáu Hỏn được nghe về đồng đội là nhờ lá thư của tiểu đội trưởng gửi về mở đầu rằng “Sáu Hỏn thương mến! Tôi và đồng chí xa nhau thấm thoắt cũng đã 10 năm. 10 năm là thử thách khắc nghiệt của nhiều sự kiện lớn lao nhưng tôi tin rằng tình đồng chí của chúng ta không bao giờ thay đổi mặc cho sương gió thời gian…”.

Tiểu đội trưởng báo tin anh đã lên vùng Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới và cho Sáu Hỏn địa chỉ để liên lạc với nhau. Sáu Hỏn hồi âm cho đồng chí tiểu đội trưởng một cách ngắn gọn như tính cách con người ông vẫn vậy. Không biết vì tiểu đội trưởng đã đi tìm một vùng kinh tế mới hay vì sự ngắn gọn của Sáu Hỏn mà từ bấy đến nay, ông không còn nhận được thư của tiểu đội trưởng nữa. Nghĩa là Sáu Hỏn cũng không còn ai và không còn lý do gì để nhắc nhớ về quá khứ chiến đấu của mình nữa. Ông xem đó là sự câm lặng phải có của cuộc chiến mình từng trải qua. Như đoạn nhạc nào cũng cần có nốt lặng, Sáu Hỏn lặng lẽ xếp cất quãng đời binh nghiệp, lãng quên phần ký ức trai tráng của mình như cách mà người ta vẫn nói là để cho những buồn đau ngủ yên. Sáu Hỏn trở về đời thường, với người vợ nhỏ bé và đứa con gái độc nhất.

***

Sáu  Hỏn có 5 đứa cháu ngoại. Mỗi đứa cháu ra đời, Sáu Hỏn lại cặm cụi khai hoang thêm 2 sào đất để làm của di chúc cho tụi nhỏ về sau. Cho đến khi con gái ông chính thức không sinh nở thêm nữa, Sáu Hỏn sở hữu hết thảy 12 sào đất ruộng. Sáu Hỏn dự định chỉ giữ lại 2 sào hóc trong cùng của xóm núi, còn lại bao nhiêu phân đều cho mỗi đứa nhỏ ruột rà của ông. Với Sáu Hỏn, ngoài đất ruộng, rẫy rừng, cây trái và 5 đứa cháu, ông không có thêm bất kỳ thứ tài sản vật chất hay phi vật chất nào khác. Vợ chồng Sáu Hỏn không có tài khoản tiết kiệm ngân hàng. Ông tích cóp được ít vàng rồi lại đưa về cho vợ chồng con gái làm ăn. Dư giả thì các cháu ông đầy đủ. Thâm thủng thì vợ chồng ông sẽ im lặng để con cháu được nhẹ lòng.

Năm Sáu Hỏn tròn sáu mươi, đứa cháu ngoại đầu tiên ra thành phố đi học. Ngày nó về chào, Sáu Hỏn cười lỏn lẻn buộc lên yên xe đạp của đứa cháu ông nuôi từ hồi nó học cấp 2 đến ngày hôm nay 1 bao mít, thơm, đậu phộng. Sáu Hỏn mẩm tính vậy còn lại 4 đứa, chia chẵn đúng boong mỗi đứa 2 sào rưỡi. 2 năm sau, đứa cháu thứ 2 đi tới một thành phố còn thăm thẳm hơn. Sáu Hỏn lại ngấm ngầm chia lại, mỗi đứa sẽ ngót ngét 3 sào 3. Cứ mỗi phép tính là lưng Sáu Hỏn lại còng thêm một lớp gió sương. Đến đứa cháu cuối cùng thì Sáu Hỏn biết rằng đất này, ruộng này không thể chia sớt đi đâu. Ông cũng không làm xuể nên đi kiếm người thuê đất. Thằng con lớn của Ba Xuân nhận làm được 2 mùa thì xin trả. Nó kêu làm ruộng bây giờ cực thân mà không có thu nhập thường xuyên, đi Sài Gòn bán vé số được ngày nào ăn ngày đó sướng hơn nhiều.

Sáu Hỏn kéo cái cuốc ra đứng bờ mương nhìn mê miết xuống 3 đám ruộng kề nhau của mình và lỏn lẻn cười. Sáu Hỏn đã bảy mươi ba và lưng ông còng xuống, dềnh dàng dưới mé nước như một câu hỏi bập bềnh đời đời. Bấy giờ là giáp tết, mưa có hồi ngớt nhưng được 1,2 ngày là lại kéo về triền miên. Sáu Hỏn đứng lọt thỏm giữa đồng ruộng đang ngập mây xảm đặc và tự hỏi, ông sẽ làm gì với 12 sào ruộng ở tuổi bảy mươi ba? Không có đứa cháu nào. Không còn đồng đội để sát cánh kề vai. Kể cả những đứa thanh niên trai tráng trong xóm bà con này cũng đang lần lượt đi Sài Gòn kiếm một cái nghề làm ra tiền tươi thóc thật mỗi ngày.

Nhưng Sáu Hỏn không phải làm gì nữa hết. 5 tháng sau xe ủi, xe xúc chạy tới bờ-rừ, bờ-rừ trước ngõ. Tối Sáu Hỏn đi họp thôn văn hóa về nằm dài trên chiếc phản nhà trên thở ồ ồ. Vợ Sáu Hỏn lỏn lẻn đi lên hỏi: “Sao ông?”. Sáu Hỏn nhìn trần nhà trân trân, không thèm liếc vợ lấy một miếng.

- Cuối tháng nhớ nhắc tui xuống xã lấy tiền đền bù. Ủi hết. Lấp hết. Xây khu dân cư mới.

Rồi Sáu Hỏn gác tay lên trán, lại thở ồ ồ. Vợ ông hiểu đó là dấu hiệu không muốn nói thêm gì nữa của ông nên rút êm xuống nhà, vừa ngồi lột vỏ đậu phộng vừa càm ràm bao nhiêu chuyện bà còn mắc mớ trong lòng.

- Tự nhiên ruộng đất của người ta mà đòi ủi đòi lấp là sao? Rồi được bao nhiêu tiền trong đó. Nhiều mấy thì cũng chỉ đáng tiêu pha vài bữa nửa tháng lại hết cho coi. Nhà thằng Bốn Thanh đâu sao không phản đối? Ờ… mà tụi nó nghe tới tiền là im ngay chớ chi…

Sáu Hỏn nghé mắt nhìn tướng người nhỏ thó của vợ ông đang bập bềnh trên vách tường. Điện cúp từ hồi Sáu Hỏn đi họp giờ chưa có lại. Người đàn bà của Sáu Hỏn bưng cây đèn dầu đi men theo vách tường, tay bưng cái thúng đậu xộn xạo bước lẹt xẹt, lẹt xẹt lên gần chỗ ông nằm. Sáu Hỏn ứa nước mắt nhớ lại lời trưởng thôn.

- Nhà cậu Sáu có muốn chuyển qua khu dân cư mới hôn? Qua là được cấp nhà kiểu phố ngon lành, 2 vợ chồng cậu ở gọn ơ. Đẹp luôn! – Trưởng thôn, chính là thằng ba Xuân, đứng huơ huơ tờ giấy đăng ký làm cư dân xóm mới, một tay sỗ sàng vỗ lên vai Sáu Hỏn bồm bộp.

- Nhà tao tao ở.

Sáu Hỏn chỉ nói vậy rồi về. Rừng người phía sau đứng ngồi nhấp nhô, nuốt từng lời của ba Xuân.

***

Hai tuần. Bốn thửa ruộng của Sáu Hỏn vùi sâu trong lớp đất mới. Đất ủi từ rẫy tranh nhà ông đẩy xuống. Sáu Hỏn đắp mền nằm nhà suốt tháng. Chỉ khi nào nghe tiếng đám công nhân xây dựng khu dân cư la ó hầm hò tựa như chuẩn bị quật đổ một thứ gì đó, Sáu Hỏn bật dậy vác cái rựa chạy ra đứng ngay ngã ba chống nạnh nhìn lên. Người trong núi kéo xuống kể ông nghe chuyện xe ủi đã vô tới đất Dư Hiền, rẫy bà Tư Bốn ra sao. Sáu Hỏn chờ người tan hết rồi mới thờ thẫn kéo rựa quay vô nhà.

Sau ba tháng, khu dân cư mới với lô nhô nhà san sát nhau mọc lên rất gọn ghẽ. Mỗi hộ tái định cư từ xóm bên sông được bán rẻ một căn nhà (nghe nói còn được ngân hàng cho vay) diện tích 4x10 trừ 2m2 sân. Tiền bán nhà cũ và tiền vay tiêu một thời gian cũng phải hết. Thanh niên gửi con cái, cha mẹ đi Sài Gòn làm công nhân và bán vé số. Những căn nhà không sân vườn, không cây cối trơ trọi và chết nặng dưới ánh nắng màu vàng chát như một vết thịt bị bưng mủ. Sáu Hỏn đứng dưới miếng ruộng cuối cùng ở giữa đồng nhìn lên, ngốp thở thấy khu nhà mới oặp vào lòng núi, như nhát răng của con cá mập cắm trong miếng bọt biển khổng lồ và từ đó mãi mãi không bao giờ nhả ra.

***

Tháng 10 lũ về to chưa từng thấy trong đời Sáu Hỏn. Nhà cửa cả cũ lẫn mới còn y nguyên. Nhưng con suối đã khoét từng vực sâu hoắm xuống lòng đất. Dòng nước từ trên cao cứ cắm thẳng xuống, bào đi cả cát mịn mượt mà lẫn sỏi đá khô khan. Đoạn đường cắt ngang con mương cũng bị một vết thương không đắp bằng cột chuối và đất bùn được nữa. Xã chỉ đạo thôn xây một cây cầu bê tông bắc ngang. Lòng nước trong veo ngày xưa nấp mình dưới khối trụ và nền cầu nặng nề nên cũng đã kịp nhuộm cho mình một màu đen thăm thẳm.

***

Mồng 3 tết, Sáu Hỏn đi thăm năm đứa cháu ngoại về dừng ngay giữa thành cầu trước ngõ. Ông đứng gần nửa tiếng, mặc cho vợ kêu ời kêu ới từ trong nhà. Rồi Sáu Hỏn lỏn lẻn cười rung bọng mí. Hai giọt nước mắt trong veo lặng lẽ rớt xuống, mất hút trong dòng suối đang dữ dằn xới đất. Dòng nước ấy sẽ không bao giờ còn hiền nữa.

Lê Bảo Chi

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
Back to top