22/03/2019 - Đăng bởi : hoaiangroup hoaiangroup
Quê tôi ở Ân Hòa, thuộc huyện Hoài Ân, trong đó có An Lão. Sau này Hoài Ân tách An Lão ra thành huyện riêng. Làng tôi là thị trấn đồng bằng nhưng được nằm trong địa phận An Lão giáp ranh với Hoài Ân, vì thế mà mỗi lần về thăm quê, tôi đều đi qua và thường dừng chân ở những quán bên đường để uống nước dừa, một món vô cùng thích thú và là một kỷ niệm khó quên trong đời tôi.
Đường làng. Ảnh Quốc Trí
Ðó là thời tôi học ở Liên Xô (trước đây). Cô gái Nga cùng lớp, tóc vàng mắt xanh, xinh đẹp và rất thật thà cứ hỏi tôi: Vì sao tóc anh đen và mắt anh cũng đen? Tôi trả lời: nhờ uống nước dừa... Quê tôi là tỉnh Bình Ðịnh, nơi có rất nhiều dừa nên đã có ca dao:
Công đâu công uổng, công hoang
Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa
Công đâu công uổng, công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
Cô gái Nga thích quá, cứ bảo: Em sẽ yêu anh để sau này được theo anh về Bình Ðịnh quê anh, uống nước dừa cho tóc và mắt em đen ra...
Ðó là chuyện vui năm xưa.
Một góc quê hương Hoài Ân nhìn từ trên cao. Ảnh Quốc Trí
Tôi về thăm Hoài Ân lần trước có nhạc sĩ Thuận Yến đi cùng, được lãnh đạo huyện đón tiếp trọng thị, có cả khẩu hiệu chào mừng, khiến tôi phát ngượng, vì nhớ lại thời học sinh vào cơ quan huyện xin giấy tờ đi học thường bị la mắng nên rất tủi thân. Tôi về Hoài Ân lần này là theo lời mời của anh Trần Bắc Hà - Chủ tịch HÐQT Ngân hàng Ðầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV): Một là dự ngày giỗ mẹ anh, hai là nói chuyện với cán bộ huyện. Ðám giỗ ở gia đình anh Bắc Hà thật long trọng, rất đông khách từ trung ương và trong tỉnh đến dự. Ai cũng khen anh Bắc Hà tuy làm quan to ở ngành Ngân hàng với biết bao công việc ở trong và ngoài nước, nhưng vẫn thực hiện chu đáo nghĩa vụ của con cái trong gia đình, dòng tộc, một nét văn hóa truyền thống vô cùng quan trọng đối với mỗi con người Việt Nam. Anh Bắc Hà còn xây nhà từ đường họ Trần và xây một ngôi đình trong thôn gần kề tượng đài danh nhân Tăng Bạt Hổ như một điểm nhấn văn hóa trên thôn An Thường, một địa danh lịch sử ở Bình Ðịnh. Nếu ngôi nhà từ đường họ Trần là nơi quy tụ bà con dòng họ của anh Trần Bắc Hà, thì ngôi đình là nơi sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng trong xã An Thường, cụ thể là điểm diễn Hát bội, Bài chòi rất lý tưởng cho bà con trong vùng được thưởng thức món ăn tinh thần quen thuộc. Xây đình làng là một việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc phát huy truyền thống, bởi Hoài Ân là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra những bậc nhân tài những nhà yêu nước lỗi lạc như Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng... Chính trên mảnh đất An Thường lịch sử này, vào một đêm cuối tháng 8 năm 1945, khi có gần ngàn người đang say sưa xem diễn Tuồng (Hát bội) trên sân vận động, bỗng có lệnh tổng khởi nghĩa, hàng ngàn người nhất tề đứng lên biến thành một làn sóng biểu tình hô vang khẩu hiệu: "Ðả đảo đế quốc Pháp", "Ðả đảo thực dân phong kiến", "Cách mạng Tháng Tám muôn năm", "Hồ Chủ tịch muôn năm"...
Trong bài nói chuyện với hàng trăm cán bộ huyện Hoài Ân, tôi cũng nhắc lại truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào An Thường mà ngày nay cần được phát huy triệt để, đặc biệt là trong xu thế đất nước hội nhập, xu thế toàn cầu hóa. Anh Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân còn đề nghị tôi nói sâu về vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc bởi một bộ phận lớp trẻ ở đây có chiều hướng xa rời văn hóa dân tộc. Anh Bắc Hà không chỉ bỏ công sức của mình ra xây dựng công trình văn hóa cho Hoài Ân mà còn lo cho cả huyện An Lão - một huyện miền núi đi đầu trong đấu tranh chống Mỹ giải phóng quê hương nhưng hôm nay còn nhiều khó khăn trong đời sống.
Ngày 29-11-2010, tại huyện An Lão, BIDV và chính quyền địa phương đã tổ chức khánh thành cụm Trường học do BIDV tài trợ xây dựng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Cụm trường học này có quy mô 27 hạng mục gồm phòng học chức năng, thư viện, phòng ở bán trú cho học sinh, công trình sân vườn thực nghiệm, vệ sinh tại 10 trường học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông với tổng trị giá dự án là 16,73 tỷ đồng. Ðược khởi công từ tháng 7-2009, đến nay công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường tiến đến đạt chuẩn quốc gia. Từ đây, thầy và trò của huyện An Lão đã được vui chơi, học tập tại những ngôi trường mới khang trang, được trang bị công cụ học tập hiện đại, đầy đủ, thầy trò và các em có được điều kiện học tập ngày càng được nâng cao. Ðó sẽ là những nền tảng cơ bản để các em học tập và rèn luyện tốt, phát huy tài năng trí tuệ để sau này trở thành những công dân có ích cho đất nước. BIDV và chính quyền địa phương cũng đã tổ chức khánh thành cụm trạm y tế An Lão được xây dựng từ nguồn hỗ trợ trên. Theo đó, BIDV còn hỗ trợ xây mới sáu trạm y tế và nâng cấp, cải tạo ba trạm y tế khác với tổng trị giá 5,6 tỷ đồng. Thật quý hóa biết bao, những con người Bình Ðịnh thành đạt dù ở cương vị nào, dù ở phương trời nào và ở lĩnh vực công tác nào khi đã có tấm lòng yêu quê hương thì đều làm tất cả những gì có lợi cho quê hương mà điển hình là Trần Bắc Hà ở Hoài Ân, hoặc như Ðoàn Nguyên Ðức ở Gia Lai, Huỳnh Phi Dũng ở Bình Dương...
Di tích chiến thắng Gò Loi
Mỗi lần về Hoài Ân, tôi lại nhớ tới sự kiện Gò Loi ở cách thị trấn Tăng Bạt Hổ chừng năm, bảy cây số, nơi đã diễn ra cuộc tập kích trực thăng vận của Mỹ đối với Ðoàn Văn công Giải phóng Liên khu 5. Bọn Mỹ đã dùng máy bay trực thăng vây bắt hàng chục nghệ sĩ của Ðoàn trên đường đi biểu diễn phục vụ nhân dân Hoài Ân và sau đó tống vào hàng loạt nhà tù từ Quy Nhơn đến Phú Quốc suốt bảy năm trời với bao nhiêu hành động tra tấn dã man. Tôi cứ nghĩ, huyện Hoài Ân nên xây dựng ở Gò Loi thành một khu di tích để cho con người hôm nay và mai sau biết được nơi đây đã xảy ra một sự kiện văn hóa và tội ác chiến tranh do quân đội Mỹ ngụy gây ra.
Hoài Ân ngày ấy xác xơ vì bom đạn và chất hóa học của Mỹ. Còn Hoài Ân bây giờ đã phủ một mầu xanh tươi mát của cây lá và ruộng đồng. Một cuộc hồi sinh nhanh chóng bởi bàn tay và khối óc của những con người vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ác liệt và kéo dài nhất trong lịch sử loài người. Qua ánh mắt và nụ cười của cán bộ và người dân mà tôi gặp gỡ ở Hoài Ân cũng thấy được những biểu hiện của một cuộc sống đang đổi thay trong hòa bình, hạnh phúc, ấm no...
HOÀNG CHƯƠNG
Tác giả viết bài năm 2012 và đến nay có nhiều thông tin thay đổi, tuy nhiên chuyên trang Hoài Ân vẫn dẫn nguyên văn bài viết để bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về những biến đổi của thời cuộc, con người trong quá khứ về mảnh đất Hoài Ân giàu truyền thống.