24/03/2019 - Đăng bởi : hoaiangroup hoaiangroup
Chúng tôi đến Hoài Ân (Bình Định) vào một ngày tháng 7 rực nắng. Dưới cái nắng cháy da thịt, theo con đường bê tông len lỏi vào xóm làng dưới những hàng dừa rợp bóng, chao mình qua những bờ mương và bước đi giữa con đường đất đỏ. Sau một hành trình dài, chúng tôi đặt chân đến Khu di tích Văn chỉ (thôn Hội An, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) - niềm tự hào về truyền thống hiếu học của người dân quê nơi đây, một địa chỉ du lịch văn hóa độc đáo của địa phương.
Khu di tích Văn chỉ
Một di chỉ văn hóa
Lối vào khu di tích lúa đang trĩu bông, những ruộng ngô xanh ngắt một màu. Bước vào khu di tích, độc bộ một vòng, ngắm nhìn cảnh vật của công trình, tôi nghe trong gió tiếng vọng ngàn xưa về một vùng đất hiếu học với những người con ưu tú làm rạng danh quê hương. Bởi lẽ khu di tích Văn chỉ nay được dựng xây trên nền đất khu văn chỉ xưa đã thấm đẫm dấu ấn hiền tài của những người con hiếu học Hoài Ân một thuở.
Văn chỉ nằm trên khu đất cao ráo, rộng chừng 2 000 m2. Từ ngoài cổng vào, trước mặt là nhà chánh điện thờ “Vạn thế sư biểu” Khổng Tử, vị khai khoa Hồ Văn Nghĩa và các vị khoa bảng xưa. Bên trái là nhà Bia khoa bảng với 3 bia đá, hai tấm khắc tên tuổi, quê quán, đỗ đạt của các vị quê ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, một bia đá ghi công tích anh hùng Tăng Bạt Hổ, phía sau nhà bia là giếng cổ với kiến trúc đá ong độc đáo, nước giếng quanh năm đầy nước và trong vắt. Bên phải điện thờ là nhà Khuyến học, nơi sinh hoạt cộng đồng với bức chân dung thầy giáo Chu Văn An, thư viện sách và sổ vàng ghi danh những tấm gương hiếu học và những mạnh thường quân đã đóng góp cho quê hương.
Việc phục dựng di tích Văn chỉ có ý nghĩa nối dài truyền thống hiếu học của cha ông, viết tiếp những trang vàng chói lọi cho các thế hệ người Hoài Ân hôm nay và mai sau. Hàng năm, ngoài việc làm lễ dâng hương Khổng Tử tháng 4 và xuân thu nhị kỳ tế lễ, Văn chỉ còn là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, là nơi tổ chức gặp mặt, tuyên dương học sinh, sinh viên hiếu học và những người đóng góp cho công tác giáo dục của huyện nhà.
Theo dấu người khai khoa
Người khai khoa của đất Hoài Ân và cũng là khai khoa Bình Định là cụ Hồ Văn Nghĩa, người xã Vĩnh Phước (nay là thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông, Hoài Ân). Ông đỗ cử nhân năm Tân Tỵ (1821), năm Minh Mạng thứ 2 tại trường thi Gia Định và làm quan tới chức Tham Tri. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), các nhà khoa bảng huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn xưa (nay là 2 huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn) tổ chức xây dựng Văn chỉ, cụ Hồ Văn Nghĩa được bầu làm Chỉ trưởng đầu tiên. Sau này khi tách làm hai huyện (1899), những văn thân, khoa bảng Bồng Sơn xây Văn chỉ mới ở làng Phụng Du (Hoài Hảo, Hoài Nhơn bây giờ). Văn chỉ Hoài Ân tồn tại đến năm 1945, Chỉ trưởng cuối cùng là cụ Huỳnh Xước, đỗ cử nhân năm Duy Tân thứ 9 tại Trường thi Bình Định 1915. Trong 78 năm tồn tại và hoạt động, Văn chỉ Hoài Ân là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa độc đáo, là nơi giúp những thế hệ người Hoài Ân theo bước cha anh đổ đạt làm rạng danh quê Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết “người Bình Định hiếu học, trượng nghĩa…”.
Nhà bia
Điều đó được minh chứng, Trường thi Bình Định 65 năm tồn tại đã tổ chức được 22 khoa thi với tổng số 342 cử nhân. Trong đó, Bình Định có tới 194 vị với 12 thủ khoa, riêng Hoài Ân và Hoài Nhơn có 37 vị, 3 thủ khoa, 1 tiến sĩ. Đồng thời sách này còn viết “Văn chỉ hàng huyện một ngôi ở làng Hội An, huyện Bồng Sơn, một ngôi ở làng Vạn Thiện huyện Phù Mỹ, một ngôi ở làng Trung Tín huyện Tuy Phước, đều dựng vào giữa thời Tự Đức”.
Đứng dưới cái nắng chói chang trong khu di tích, chúng tôi càng thêm hiểu rằng cái khó khăn gian khổ không thể làm vơi ý chí con người. Các thế hệ con cháu Hoài Ân hôm nay luôn tự hào về bước đường truyền thống mà cha anh họ đã dày công dựng xây. Cách lưu danh hôm nay vừa ghi nhận thành tựu của nền giáo dục đương thời, vừa nêu cao ý thức trách nhiệm của giới trẻ đối với sự phát triển quê hương.
------------------------------------------------
Văn miếu (文廟) là đền thờ Đức Khổng Tử tại kinh đô hay tại các tỉnh thành, được xây dựng quy mô lớn và có từ đời Lý Thánh Tông.
Văn chỉ (文址) là nơi thờ phượng, tế lễ Đức Khổng Tử và các bậc khoa hoạn trong làng, là nơi vinh danh và khuyến khích những người có tinh thần học hành và đỗ đạt, làm quan tại các làng xã hay quận huyện. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt thì thờ Đức Khổng Tử, gọi là Tiên Thánh Sư để làm chủ trương cho việc văn học trong làng. Văn chỉ thờ quan văn, Võ chỉ thờ quan võ.
Năm nào có khoa thi sĩ tử trong làng hội lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt. Khi thi xong, ai được đỗ đạt cao lúc về phải có lễ ra Văn chỉ để tạ ơn tiền hiền
(Theo Cao Đài từ điển)
Nguồn trách lại: Báo Quân đội nhân dân