17/03/2019 - Đăng bởi : hoaiangroup hoaiangroup
Nằm ở thung lũng miền núi, huyện Hoài Ân (Bình Định) được biết đến như một miền quê yên bình với những vẻ đẹp sinh thái hoang sơ và một lịch sử oai hùng. Những câu chuyện kể giữa những người bạn trong lúc nhớ quê, những bức ảnh ruộng đồng như một động lực để tìm về vùng đất thân thương này.
Một góc cảnh đẹp quê hương Hoài Ân
VIẾNG NGƯỜI ANH HÙNG MỘT THUỞ
Từ ngã ba Cầu Dợi, chúng tôi quẹo trái, đi thẳng khoảng 8km, con đường nhựa dài tít tắp nghiêng mình giữa hai hàng dừa xanh ngắt, một bên là núi, một bên là nước sông quê trong vắt, soi bóng hàng tre. Trước mắt chúng tôi là cổng chào của huyện Hoài Ân, nơi đây là một thung lũng yên ả được bao bọc bởi hệ thống núi xanh ngắt một màu. Trong tiết trời tháng năm, mùi của đất, của ruộng đồng ngai ngái làm thổn thức bao nỗi nhớ quê.
Cổng chào huyện Hoài Ân
Đặt chân đến trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ cũng là lúc mặt trời đã hé rạng, tôi cảm nhận rất rõ thời tiết đã chuyển mình vào hạ. Điểm tâm sáng bằng một tô cháo lòng nóng hổi với miếng bánh tráng mì giòn tan, tôi và một người bạn thổ địa ở đây bắt đầu chuyến hành trình khám phá thũng lũng Hoài Ân bằng việc tiến về xã Ân Thạnh. Trên đường đi, nhìn cảnh người dân tấp nập đi chợ quê, cảnh nhộn nhịp hối hả cho một ngày mới. Qua cầu Ân Thường, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là nhà thờ chí sĩ yêu nước Tăng Bặt Hổ. Bước vào đền thờ, dâng nén nhang thơm tôi nghe trong gió tiếng vó ngựa của ông từ ngàn xưa vọng về, lòng bồi hồi khôn tả: Người xưa với chiến công lẫy lừng một phương đã về với cõi vĩnh hằng, nhưng những chiến công hiển hách và giai thoại hào hùng vẫn còn mãi trong lòng người.
Đền thờ chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ ngày đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia
Đền thờ Tăng Bạt Hổ được xây dựng năm 2001 trên khu đất rộng trên 5.200m2 (tục danh là Gò Điếm). Ngôi đền gồm ba gian, được xây bằng gạch và bê tông cốt thép, gian giữa thờ cụ, cha mẹ và những bạn bè, đồng chí cùng ông chiến đấu trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Hai gian bên trái và phải là phòng khách, nơi trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông. Ngôi đền nằm trong một không gian thoáng mát, trong lành với những công trình phụ bao quanh. Ngoài thờ cúng, nơi đây còn là điểm tham quan của du khách và tổ chức các hoạt động văn hóa, tìm hiểu lịch sử địa phương của thể hệ trẻ.
Ngày 26/8/2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
TỰ HÀO MIỀN ĐẤT HỌC
Rời đền thờ Tăng Bạt Hổ mang theo những vấn vương trong lòng, chúng tôi men theo con đường rợp bóng mát, rộn tiếng chim kêu, bước qua con đường đất đỏ, khu di tích Văn Chỉ Hoài Ân đã hiện ra trước mắt. Khu di tích Văn Chỉ được phục dựng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Hoài Ân (19/04/2012) trên nền di tích Văn Chỉ xưa. Đây được xem là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của người dân Hoài Ân với những hình ảnh của người khai khoa cụ Hồ Văn Nghĩa. Ông đỗ cử nhân năm Tân Tỵ (1821), năm Minh Mạng thứ 2 tại trường thi Gia Định và làm quan tới chức Tham Tri. Văn chỉ Hoài Ân là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa độc đáo, là nơi giúp những thế hệ người Hoài Ân theo bước cha anh đỗ đạt làm rạng danh quê hương. Đứng trước khu di tích, tôi càng thêm hiểu rằng cái khó khăn gian khổ không thể làm vơi ý chí con người. Các thế hệ con cháu Hoài Ân hôm nay luôn tự hào về bước đường truyền thống mà cha anh họ đã dày công dựng xây. Cách lưu danh, bảo tồn và giáo dục hôm nay vừa ghi nhận thành tựu của nền giáo dục đương thời, vừa nêu cao ý thức trách nhiệm của giới trẻ đối với sự phát triển quê hương.
Văn Chỉ Hoài Ân
Sau Văn Chỉ, chúng tôi rời Ân Thạnh về lại thị trấn Tăng Bạt Hổ, lúc này đã đúng ngọ thời tiết ngày một gay gắt hơn. Dừng chân tại tư gia của một bà cụ, biết chúng tôi đến bà chuẩn bị rất nhiều thức ăn. Nhưng đặc biệt hơn cả là món bánh tráng mì ăn với rau sống, thịt luộc. Trước mặt chúng tôi là một xấp bánh tráng mì nhúng nước, vài cái bánh tráng mì nướng, một rổ rau, một đĩa thịt ba chỉ thái mỏng, một đĩa trứng vịt làm chả, một chén mắm đục (mắm nêm), mắm mực. Bóp nhỏ bánh tráng nướng vào bánh nhúng, cho rau, thịt, trứng, rau cuộn lại chấm mắm (có thể chấm vào mắm nêm hoặc mắm mực tùy khẩu vị). Bà cụ cho biết, đây là món ăn rất đặc trưng của người dân quê Hoài Ân. Ăn vào có độ dẻo của bánh mì, quyện với âm thanh giòn giòn của bánh nướng, béo ngọt của thịt heo, trứng và cái đậm đà của mắm, một cảm giác ngon tuyệt đến khó tả, tôi cười nói với cụ: Món ăn đậm đà hương vị như chính những giá trị mà vùng đất Hoài Ân mang lại vậy: Vừa hoang sơ, vừa bí ấn lại vừa độc đáo.
NHỮNG CON THÁC HỮU TÌNH
Hôm sau, rời thị trấn chúng tôi xuôi theo con đường nhỏ dài tít tắp phía trước băng qua những cánh đồng lúa mơn mởn thời con gái, từng làn gió xuân thổi qua làm cánh đồng lúa gợn sóng, trong lòng chúng tôi dấy lên cảm giác mát rượi. Có đoạn, chúng tôi đi qua những cánh đồng ngô xanh ngắt một màu. Từ ngã ba Gò Loi (nơi tưởng niệm chiến thắng Gò Loi hiển hách của quân và dân Hoài Ân trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước) quẹo phải chạy thẳng 13km lên vùng miền núi, chúng tôi đặt chân đến địa phận xã Ân Nghĩa. Nơi đây được ví như một nàng thơ e ấp bởi những vẻ đẹp kỳ bí và huyễn hoặc, những con thác ru bao hồn người và làm say lòng bao tao nhân mặc khách.
Thác Đổ
Con thác đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến là thác Đổ. Vượt qua 2 km đường bộ, chúng tôi đến được chân thác. Những luồng nước chảy róc rách, trong veo mát rượi. Lần lượt leo qua những hòn đá muôn hình vạn trạng từ hòn voi, hòn mái nhà, hòn ngựa… Chúng tôi vô cùng thích thú với những hình dáng của cỏ cây, thi thoảng gặp những nhánh lan rừng tỏa hương sực nức. Bỗng chúng tôi nghe trong gió tiếng rền vang của một con thác vọng ra rất gần, leo qua tảng đá lớn, trước mắt chúng tôi là hình ảnh thác Đổ hùng vĩ, tuông dài như một áng tóc trữ tình. Con thác cao 46m, cuồn cuộn bọt tung trắng xóa, tiếng ì ầm âm vang cả một khoảng trời, tạo nên vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, bởi chưa bị “nhào nặn” của bàn tay con người. Dòng nước mát trong xanh đến vô ngần khi ánh mặt trời chiếu thẳng xuống, mặt nước như một tấm gương phẳng khổng lồ, ánh lên những sắc cầu vồng trên vách đá. Chông chênh bên dòng thác là những chùm phong lan đá, thủy tiên vắt vẻo phô sắc. Chúng tôi như lạc vào bản nhạc du dương của núi rừng, của tiếng chim hót, thứ âm thanh có sức lay gợn tâm hồn.
Thác Trà Lan
Rời thác Đổ, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá thác Trà Lan, một con thác đẹp của xã Bok Tới (giáp ranh với xã Ân Nghĩa). So với thác Đổ, thác Trà Lan không cao bằng nhưng hiền hòa, thiên nhiên thoáng đãng. Nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Chuyện kể lại rằng, ngày xưa có một nàng tiên bay ngang qua vùng đất này làm rơi chiếc khăn tay, chiếc khăn tay bỗng hóa thành dòng thác này. Tại đây, chúng tôi lội vào những hốc nước mát lạnh bắt được rất nhiều ốc đá, và hái rau dớn, rau ranh… Đây đều là những sản vật đặc trưng của vùng miền núi Hoài Ân. Rời Trà Lan cũng là lúc chiều tà, hoàng hôn đã bảng lảng trên những vạt rừng xanh ngắt, trong tôi cứ vướng víu hình ảnh những con thác hoang sơ kỳ thú và những sản vật mà thiên nhiên ban tặng.
ĐẶC SẢN MỘT THỜI VANG BÓNG
Đêm đến, chúng tôi quay quần bên một gia đình cụ ông ở Gò Loi. Cụ đãi chúng tôi thứ đặc sản đặc biệt của đất Hoài Ân là chè Gò Loi. Theo cụ, năm 1979 theo chân những người dân quê, cây chè được đem vê trồng trên đất Gò Loi, sau đó nông trường chè được thành lập và cho ra đời thương hiệu chè Gò Loi nức tiếng. Để chứng minh độ đặc biệt của trà Gò Loi, cụ pha hai bình trà trong thời gian như nhau và rót ra hai ly trà để chúng tôi thưởng thức. Quả thật, sau khi uống ngụm trà trong họng đắng chát, nhưng lại có vị béo béo và ngọt nơi dầu lưỡi, hương vị thơm nồng. Một lát sau trong họng còn vị ngon ngót nơi cuối cuốn lưỡi. Quả đúng là trăm nghe không bằng một lần thưởng thức. Cụ kể cho chúng tôi biết danh trà này đã bị giải thể vào năm 1998, hiện nay một số người dân còn nặng nợ mong muốn phục dựng danh trà một thời, nói đến đây cụ nhìn xa xăm ra bầu trời đêm, thở dài, ánh mắt cụ chan chứa.
Danh trà Gò Loi đang dần được phục hồi
Bên tách trà quê hương nồng nàn, cụ còn kể cho chúng tôi nghe về lịch sử oai hùng của người dân Hoài Ân trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù dày xé quê hương và công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp. Ba dân tộc anh em sinh sống trên huyện nhà là Kinh, Bana và H're luôn đoàn kết, sát cánh cùng nhau tạo nên truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của từng dân tộc. Giữa đêm khuya tĩnh mịch, cụ còn hát cho chúng tôi nghe điệu bài chòi, hát đối của người dân quê thật rung động và xao xuyến lòng người.
Hương chè Gò Loi
Tạm biệt Hoài Ân sau một chuyến hành trình khám phá những địa danh trong những ngày lưu lại ngắn ngủi ở đây. Chúng tôi hy vọng, một ngày gần nhất sẽ trở lại mảnh đất anh hùng này để khám phá thêm những nét đẹp mới, giá trị mới. Có thể nói, dòng nước mát lạnh đầu nguồn từ thác Đá Vàng (Ân Hảo), thác Đổ (Ân Nghĩa), thác Trà Lan (Bok Tới), thác Hóc Đèn (Ân Mỹ) chảy về dòng Kim giang và sông An Lão đã tưới ngập những thửa ruộng, mảnh vườn, vun bồi thêm những bông lúa mẩy và tưới mát tâm hồn bao thế hệ người con Hoài Ân, vun bồi những giá trị văn hóa nơi đây ngày càng giàu đẹp.