Bỏ điện thoại xuống và cảm nhận cuộc sống

22/03/2019 - Đăng bởi : hoaiangroup hoaiangroup

Ngày nay, khi điện thoại thông minh (smartphone) trở thành một phần của cuộc sống thì con người ngày càng đắm chìm vào nó mà quên đi mọi thứ xung quanh, nhất là giới trẻ. Cập nhật công nghệ, biến công nghệ thành công cụ phục vụ cuộc sống là điều nên làm và nên khuyến khích, tuy nhiên đừng để công nghệ và điện thoại thông minh chi phối cuộc sống vốn có của chúng ta.

Hãy đặt điện thoại xuống, hãy cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của bạn và khám phá những điều tốt đẹp xung quanh, khi đó bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

XA RỜI THẾ GIỚI ẢO - DÙNG ĐIỆN THOẠI MỘT CÁCH THÔNG MINH

Điện thoại thông minh ra đời, kèm theo đó là hàng loạt mạng xã hội và các ứng dụng ra đời để phục vụ nhu cầu, từ âm nhạc, phim ảnh, mua sắm đến giao lưu kết bạn. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh với kết nối internet là bạn có cả một thế giới của riêng mình, rút ngắn khoảng cách về không gian, địa lý chỉ cần một cú nhấp hoặc một cái like. Trong đó nổi tiếng nhất là Facebook, một địa chỉ mà mọi người có thể tìm thấy nhau sau nhiều năm xa cách, chia sẻ hằng hà sa số tâm trạng, buồn vui, thậm chí những câu chuyện thầm kín cũng được phanh khui một cách nhanh chóng. Đi đâu, làm gì, chỉ cần chụp một tấm ảnh, quay một đoạn video, phát trực tiếp (livestream) hoặc check in là cả thế giới biết đến bạn. Tiện lợi là thế, nhanh chóng là vậy, cả thế giới thu nhỏ vào một cái ứng dụng và một chiếc điện thoại thông minh. Nhiều người, doanh nghiệp cũng kiếm bộn tiền từ Facebook và mạng xã hội.

Đó là mặt tích cực, nhưng cũng không kém những mặt tiêu cực mà Facebook và mạng xã hội mang lại. Đó là những thông tin xuyên tạc, những trào lưu kích động, chống đối. Hay những vụ bê bối dẫn đến người trong cuộc phải tự tử vì áp lực dư luận.

Kể từ 2016 đến nay, Facebook liên tục bị chỉ trích như một nguồn phát tán tin tức giả mạo, làm sai lệch kết quả bầu cử, dẫn đến các xung đột chính trị ở nhiều quốc gia. Cuộc “thanh lọc sắc tộc” ở Myanmar bị cho là khởi nguồn từ Facebook và vụ việc 7 người vô tội bị xử tử tại chỗ ở Ấn Độ chỉ vì những tin đồn nhảm về các vụ bắt cóc được chia sẻ trên WhatsApp, ứng dụng nhắn tin do Facebook chống lưng. Chính ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg cũng thừa nhận mặt trái của cuộc sống ảo và mạng xã hội đang dần phá hủy các mối quan hệ ngoài đời thực.

Một thế hệ trẻ bắt đầu lệ thuộc vào chiếc điện thoại và mạng xã hội trở nên trầm cảm, tự kỷ và dành quá nhiều thời gian cho những công việc vô ích này. Thậm chí, nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng suốt ngày chỉ dán mắt lên Facebook mà quên mất việc quan trọng của bản thân, không ít trường hợp lâm vào cảnh nghiện Facebook, mạng xã hội dẫn đến bị đình chỉ học, hoặc bị thôi việc.

Nếu bạn làm một phép cộng so sánh sẽ dễ dàng để ý trẻ em hiện nay rất thích điện thoại. Sau khi tan trường ba mẹ đón về nhà cho ăn cơm phải dùng điện thoại để “dụ”, hoặc khi trẻ quậy chỉ cần đưa chiếc điện thoại là trẻ có thể ngồi im một chỗ để chơi một cách say sưa mà không cần quan tâm đến ai. Đây là thực trạng đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ trong mỗi gia đình… chính bố mẹ là người tiếp tay cho việc giáo dục con cái sai định hướng.

Buổi gặp mặt hoặc một bữa ăn tối… sau dăm ba câu tay bắt mặt mừng và vài câu chuyện thì mỗi người lại lôi trong túi ra chiếc điện thoại của mình, nào là chụp ảnh, nào là quay phim để đăng Facebook, Zalo… rồi mạnh ai nấy lướt face, lướt web, chát chít các kiểu, bàn tiệc như trở thành bàn tròn trải nghiệm công nghệ, thậm chí hai người ngồi đối mặt nhau thay vì nói chuyện với nhau họ lại comment nhau trên Facebook.

Để phục vụ cho nhu cầu ấy các phần mềm chỉnh sửa ảnh thi nhau ra đời, từ đó hàng loạt bức ảnh xinh lung linh ra đời tiếp thêm sức mạnh cho mạng xã hội. Nhiều người bước ra khỏi thế giới ảo để gặp mặt thực tế đã làm cho mọi người sốc vì sự khác biệt quá lớn, rồi trở thành mục tiêu cho sự chỉ trích của dư luận.

Từ khi nào con người bắt đầu đam mê công nghệ đến vậy, họ sống trọn từng giây cho thế giới ảo của mình mà quên đi cuộc sống xung quanh có bao điều tốt đẹp. Điện thoại thông minh, mạng xã hội, các ứng dụng xét cho cùng chúng là công cụ để giúp cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn, phục vụ công việc nhanh chóng, tiện lợi và chuẩn xác chứ chúng không phải là cả thế giới mà chúng ta phải lao vào và đắm mình trong đó. Vì vậy, hãy bỏ điện thoại xuống và bước ra bên ngoài để khám phá thế giới tươi đẹp và ý nghĩa.

SÁCH - KHO TÀNG TRI THỨC NHÂN LOẠI

Việc dùng mạng xã hội một cách thông minh và hạn chế sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoảng thời gian, thời gian ấy bạn sẽ dùng để trao dồi thêm sức khỏe thông qua các hoạt động thể dục thể thao và nâng cao tri thức, gặp gỡ, trao đổi và học hỏi từ những người đi trước, bạn bè, nhất là đọc sách.

Sách chính là tinh hoa của nhân loại, là kho tàng tri thức mà bất cứ ai cũng cần chinh phục. Mỗi một trang sách mở ra sẽ là một thế giới với biết bao điều kì diệu đang chờ. Đọc sách là việc quan trọng bởi khi đọc sách mỗi người sẽ khám phá thêm nhiều điều thú vị, biết thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và vốn sống cho bản thân. Những cuốn sách hay chính là chìa khóa dẫn đến thành công và làm thay đổi cuộc sống của mỗi người.  

Một số nghiên cứu cho thấy những người thành công họ thường dành ra rất nhiều thời gian để tự học hỏi từ những nguồn kiến thức vô tận như sách báo. Họ luôn luôn gắn kết việc đọc với một thói quen bắt buộc phải có mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trở thành mọt sách. Một số người chọn cách nghe những mẩu chuyện ngắn, đọc những tờ báo chỉ mất vài phút để cập nhật tin tức xã hội và sự thay đổi của thế giới. Dù bạn chọn lĩnh vực nào để đào sâu, thì chúng đều mang lại cho bạn những giá trị nhất định, giúp bạn mở mang kiến thức và tìm thấy những điều bạn thực sự cảm thấy đam mê và phấn khích.

Việc lựa chọn đọc gì và đọc như thế nào có thể là một trở ngại, nhưng đừng biến chúng thành lí do để từ chối việc tích lũy thêm kiến thức mới qua sách vở. Cũng đừng quá khắc nghiệt với bản thân khi đặt ra chỉ tiêu đọc một cuốn sách trong một tuần. Hãy bắt đầu thật đơn giản với một trang mỗi ngày nếu như bạn không phải là một người đam mê đọc sách và dần dần bạn sẽ quen với nó.

Khi lựa chọn sách để đọc trước tiên bạn hãy nhìn vào chính cuộc sống hiện tại của bạn để xác định xem bạn đang phải đối mặt với vấn đề gì. Một khi xác định được vấn đề mình đang gặp phải chúng ta bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá mức độ của nguyên nhân ấy và tìm những cuốn sách phù hợp. Để tìm một cuốn sách bổ ích và phù hợp với mình trước tiên hãy xem mục lục và lời nói đầu, giới thiệu về cuốn sách, tiếp đến nên đọc một vài trang để hiểu về phong cách, ngôn ngữ của người viết. Đồng thời bạn cũng đừng quên đọc những nhận xét và đánh giá cả tích cực, tiêu cực về nó. Sau khi quyết định mua và đọc xong cuốn sách bạn cũng đừng quên có những nhận xét cá nhân mình về cuốn sách ấy.

Có vô số những cuốn sách đã được nhiều người khuyên đọc mà có thể sẽ giúp ích được cho bạn, vì thế hãy thử đọc chúng. Khi cảm thấy thích thú về một vài cuốn sách nào đó, hãy đi đến cửa hàng và mua chúng về hoặc thậm chí là đọc tài liệu trên mạng cũng là một sự lựa chọn hợp lí cho bạn để tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc. Đến cuối cùng, ngay cả khi bạn không thích cuốn sách, thì bạn vẫn có thể tìm đến những sự lựa chọn khác hoặc trung thành với chính mình rồi dành ra 5 đến 10 giờ đồng hồ để nghiền ngẫm nó, dù thế nào đi nữa.

ĐI ĐỂ SÁNG TẠO VÀ HỌC HỎI NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ

Thế giới luôn chuyển động không ngừng và thay đổi từng ngày, từng giờ. Vì vậy việc cập nhật công nghệ, những thay đổi của thế giới luôn là việc làm cần thiết của những người trẻ, doanh nghiệp hay quốc gia. Việc chúng ta bước ra khỏi thế giới ảo, bớt lệ thuộc vào mạng xã hội và điện thoại thông minh để cảm nhận cuộc sống, biến chúng trở thành công cụ để phục vụ cho những trải nghiệm ấy là một việc làm cần thiết và thú vị.

Hằng ngày chúng ta vẫn nghe thông tin báo đài về những người trẻ dám bỏ những công việc mơ ước để làm những việc tay trái không đúng chuyên môn. Giữa họ có một điểm chung đó là sự trải nghiệm, đam mê và tin tưởng vào những quyết định của chính mình về chặng đường phía trước. Do đó, bài học của sự thành công ngoài yếu tố kiến thức, vốn, đó là sự trải nghiệm và am hiểu thị trường mà để có được sự am hiểu và trải nghiệm ấy chúng ta phải đi, phải gặp và phải sống để hiểu được khách hàng cần gì, muốn gì để phục vụ tốt nhất.

Trong kinh doanh cũng vậy, chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ để gửi email, hay gọi điện thoại mà phải trải nghiệm thực tế với khách hàng. Để đưa một sản phẩm đến với một cộng đồng dân cư nào đó, chúng ta phải am hiểu một cách sâu sắc về họ, có như vậy con đường đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng mới ngắn lại, tiết kiệm chi phí. Hay một người làm marketing, thiết kế, kỹ thuật, chăm sóc khách hàng… không thể ngồi ì một chỗ để tham khảo những tài liệu trên internet mà họ cần phải đi, phải trải nghiệm phải sáng tạo và tìm hiểu những cái mới của xu hướng thị trường để ứng dụng vào thực tiễn công việc. Chúng ta nên khuyến khích làm việc một cách sáng tạo thay vì thụ động và theo đường lỗi cũ.

Ngày nay, khi người trẻ xách balo lên và đi đồng nghĩa với việc họ trải nghiệm cuộc sống, trên hành trình ấy họ tìm thấy những ý tưởng mới, sự sáng tạo và cả sự sẻ chia yêu thương nữa. Bài học sách vở có hay và thuyết phục đến mấy cũng không bằng bài học thực tiễn bởi ở đó có người thật việc thật, có những tình huống ứng xử mà buộc mỗi người phải thích nghi và xử lý nó một cách khéo léo, thuyết phục.

Hàng năm, các doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng luôn có những hội chợ về xu hướng, máy móc trang thiết bị, sản phẩm… hội chợ là nơi quy tụ những công nghệ, sản phẩm mới nhất của ngành và toàn cầu. Đây là dịp để các doanh nghiệp, những nhà làm dệt may trên thế giới tìm hiểu, trao đổi, giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Các doanh nghiệp đến với hội chợ sẽ phô diễn những thế mạnh của mình để giới thiệu đến bạn bè năm châu. Như vậy, việc chúng ta đến đây không phải để du lịch mà để học, để tìm kiếm sự sáng tạo và cập nhật xu hướng thế giới, ứng dụng vào thực tiễn doanh nghiệp.

Như vậy, mỗi người dù ở bất kỳ công việc nào chúng ta cần học hỏi, trải nghiệm để làm tốt nhất vai trò của mình. Để có những kiến thức ấy ngoài việc học hỏi từ sách vở, những người đi trước chúng ta phải đi để trải nghiệm, để tìm hiểu những điều mới mẻ độc đáo. Có như vậy mới tạo được động lực, niềm tin và tìm ra những giá trị mới.

Ý Nhạc - Sài Gòn 2017

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
Back to top