17/03/2019 - Đăng bởi : hoaiangroup hoaiangroup
Hương vị bánh thuẩn ngày tết đã in sâu vào tâm trí của mỗi người con xa quê miền Trung. Đây là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về để dâng lên bàn thờ tổ tiên và đãi khách.
Có thể nói, ngày nay với sự phát triển của thị trường hàng loạt các loại bánh kẹo đủ sắc màu, ngon miệng, đa dạng về mẫu mã và rất nhiều loại bánh kẹo ngoại nhập… chỉ cần đảo một vòng vào siêu thị, hoặc ra chợ là bạn có tất tần tật những gì cần cho một ngày tết no đủ. Tuy nhiên sự tiện lợi ấy đã làm mai một đi một số công thức và các loại bánh truyền thống đặc trưng cho quê hương ngày tết.
Đâu rồi cảnh bà con gọi nhau đi máy bột, cùng nhau đến nhà một người nào đó làm bánh tết, đâu rồi cảnh các em nhỏ quây quần bên nhau “khai tiệc” những mẻ bánh đầu tiên ngon hành, háo hức,… rồi cùng nhau sấy bánh, canh nồi bánh chưng đêm 30. Vô số kỷ niệm đẹp và thân thương ngày tết đã loáng thoáng vắng bóng dần.
Đâu đó, ở một số làng quê vẫn còn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo với những chiếc bánh đặc trưng không thể thiếu được trong dịp tết. Đó là chiếc bánh thuẩn của người dân miền Trung, chiếc bánh vàng ơm với hương vị thơm lừng, giòn tan và ngọt dịu nơi đầu lưỡi, ăn miếng bánh uống ngụm trà trong tiết trời xuân lành lạnh ngon đến khó tả.
Ngày bé, tôi thường phụ mẹ để làm các loại bánh tết như bánh in, bánh men, bánh thuẩn, rim gừng, rim dừa… tất cả món ăn ngày tết thường gia đình tự cung tự cấp. Tôi nhớ như in công thức làm bánh thuẩn của mẹ. Để làm nên mẻ bánh ngon mẹ lấy bột bình tinh (có khi dùng bột mì) cho vào một cái thau thủy tinh, sau đó cho trứng vịt, đường vào đánh thật nhuyễn cho dậy bột.
Sau đó nhỏm lò lửa than, lấy khuôn bánh thuẩn ra lau sạch bằng dầu phộng. Khuôn bánh bằng đồng, bên trong có nhiều ô, thông thường khoảng 10 - 16 cái và một số khuôn rời. Đối với những khuôn rời, mẹ lấy nồi đất cho vào một lớp cát trắng, đặt các khuôn rời trên lớp cát ấy, đun nóng. Bên trên nắp khuôn bánh bỏ ít than hồng, cho bột bánh vào các khuôn bánh, đậy nắp. Vài phút sau mở nắp, bánh nở phồng màu vang ơm thơm phức. Mẹ lấy cây tăm nhỏ, vớt ra chiếc mẹt tre, cứ đầy một mẹt là tôi bê đi sấy khô.
Tôi phụ mẹ chêm lửa, than cho bánh đủ lửa, vì bánh đủ lửa mới nhanh chín, màu vàng và thơm.
Dù trải qua nhiều biến đổi, song tết cổ truyền vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân quê tôi với nhiều phong tục đẹp. Ngày giáp tết, trên từng con đường nhỏ râm rang âm thanh của mọi người cùng mùi bánh thuẩn thơm lừng, chúng tôi vô cùng ấm lòng bởi những hương vị của tuổi ấu thơ vẫn còn lưu giữ đến tận bây giờ.