23/03/2019 - Đăng bởi : hoaiangroup hoaiangroup
Đã có dịp tôi được về thăm miền quê Hoài Ân - Bình Định vào những ngày trưa hè nắng oi nồng, cái đầu tiên nhìn thấy là những con đường làng mộc mạc với những cô gái gánh xu xoa đi bán khắp nơi, miệng luôn cất tiếng rao lanh lảnh: “Xa xa đây ! Xa xa đây ! Ai ăn xa xa không ?”.
Người địa phương nơi đây đã gọi chệch từ xu xoa thành xa xa và từ đó trở thành một đặc trưng đáng yêu của miền đất Hoài Ân nói riêng và Bình Định, miền Trung nói chung:
“Xa xa vốn ít lời nhiều
Anh về bỏ vợ cưới người xa xa”
Xu xoa nếu bảo là thức ăn hay thức uống cũng được vì lẽ xu xoa lại no bụng lại vừa giải khát. Xu xoa là một món rất mát và bổ dưỡng được chế biến hoàn toàn bằng rong câu biển - thứ rong mọc sâu trong vùng nước lợ, nhiều nhất là vùng ngã tư. Hoài Ân là vùng thung lũng núi, nhưng người dân nơi đây mua nguyên liệu rong biển từ các vùng khác trong tỉnh Bình Định hoặc các tỉnh lân cận để mang về chế biến món xu xoa.
Theo người dân nơi đây thì ngã tư là nơi nhận nước mặn từ biển lên và nước ngọt từ các sông Côn, Hà Thanh đổ về, quyện vào nhau tạo nguồn nước chua lợ rất thích hợp cho loại tảo sông này phát triển. Ban đầu, từ một bụi rất nhỏ nhưng chỉ vài ba tháng sau có thể lan tràn cả một vùng rộng. Rong câu trải dài vươn từng đám lá màu hơi nâu nâu. Về mùa hè, khi rong câu đã đủ già người ta thu hoạch về, lượm rác, lượm các thứ rong tảo khác lẫn vào bỏ ra ngoài, số rong câu sạch được phơi trên cát hoặc trên bãi cỏ. Khi rong câu thô đã khô được đem về hong trên khạp tre. Rong câu thô để lâu không mốc. Thỉnh thoảng khi có nắng tốt đem ra phơi lại gọi là “hâm”. Nếu nhiều rong câu được đóng bao đem bán, nếu ít thì để lại dùng trong gia đình.
Ở Bình Định, hầu như nhà nào cũng biết cách làm xu xoa. Nếu bạn tham gia nấu món xu xoa này mới thấy nó rất vui và thú vị. Có thể nói xu xoa là tinh hoa của rong câu, để có một món xu xoa ngon thì phải làm rất công phu và trải qua rất nhiều giai đoạn. Trước khi nấu, ta chọn những sợi rong câu khô đều và mập ngâm trong nước mưa hoặc nước vo gạo khoảng vài ba ngày để cho rau câu nở đều và trút bỏ hết các chất bẩn, mùi của biển. Nấu nhừ cho đến khi những sợi rong câu tan, nhưng không được già lửa, rong câu sẽ bị cháy vàng không ngon. Sau đó, người ta cho vào một ít phèn chua hay lá dứa giúp cho xu xoa mau đông. Sau khi chín, trút rong câu vào miếng vải vừa đủ lớn để ép lấy nước, nếu còn bã thì bỏ đi.
Nước rau câu được để trong những chiếc tô nhựa hay sành trong vài giờ cho nguội và đông lại. Thế là ta đã có được một món xu xoa nhìn đẹp mắt và ngon. Thường thì xu xoa có màu xanh nhạt hay nâu thẫm nhưng nếu cắt nhỏ ra từng khối thì nó trở nên trong suốt như pha lê. Người ta dùng con dao bén xắt thành từng miếng nhỏ vuông vức, mỗi bề chừng ba, bốn phân rồi bỏ vào chiếc thau nhựa chứa sẵn nước lã. Khi nào dùng thì người ta mới vớt ra.
Cũng giống như một số món ăn khác, khi ăn xu xoa ta phải dùng với mật. Xu xoa ăn với mật nước đường thắng mới đúng điệu. Ngoài ra, chanh và gừng cũng là hai nguyên liệu không thể thiếu đối với món ăn mát lạnh này.
Vào những ngày hè mà ăn được món xu xoa này là nhất. Các cô gái thường gánh xu xoa đi bán khắp chợ quê, chợ tỉnh. Tiếng rao lảnh lót vang xa giữa trưa hè oi ả. Khi có người ăn, cô bán hàng lấy vài khối xu xoa bỏ vào chén, dùng con dao nhỏ bén xắt liên tục, chẳng mấy chốc đã thành những miếng xu xoa nhỏ vụn, tiếng mũi dao va chạm vào thành chén nghe giòn tan như chính món ăn này vậy. Sau đó cô dùng chiếc múc bé tí tẹo làm bằng vỏ cau khô khéo léo múc mật trong chiếc hủ đất rồi rải đều lên chén xu xoa.
Gọi là ăn nhưng phải húp mới ngon. Nếu đúng là người sành ăn thì họ sẽ ăn theo cách này, bởi vậy ít có ai chịu dùng thìa. Vị ngọt thơm của mật, vị cay nóng của gừng cộng với cái mềm mại của xu xoa sẽ làm hài lòng mọi vị thực khách.
Khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hoài Ân, được thưởng thức và học cách làm xu xoa là một điều thú vị nhất, tôi sẽ nhớ mãi món ăn vừa rẻ, vừa bổ, mát lại không kén người ăn, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn này.