24/03/2019 - Đăng bởi : hoaiangroup hoaiangroup
Từ ngày 9-4-1972, quân và dân huyện Hoài Ân cùng quân và dân cả tỉnh Bình Định phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng, bằng khởi nghĩa vũ trang đã dồn dập tiến công và nổi dậy, đập tan bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn huyện vào ngày 19-4-1972. Đây là thắng lợi to lớn và là trang sử hào hùng, chói lọi của Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...
Từ ngày 9-4-1972, quân và dân huyện Hoài Ân cùng quân và dân cả tỉnh Bình Định phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng, bằng khởi nghĩa vũ trang đã dồn dập tiến công và nổi dậy, đập tan bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn huyện vào ngày 19-4-1972. Đây là thắng lợi to lớn và là trang sử hào hùng, chói lọi của Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Những năm 1969-1972, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Hoài Ân là một địa bàn trọng điểm đánh phá và là vùng thí điểm kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch ở Bình Định. Tuy vậy, Đảng bộ huyện Hoài Ân vẫn vững vàng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiên trì bám đất, bám dân, đánh địch, phát động quần chúng, xây dựng và phát triển lực lương tại chỗ, từng bước đưa phong trào cách mạng vươn lên, khôi phục vùng giải phóng, giành thế chủ động trên chiến trường. Chấp hành chủ trương của Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng bước vào Chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Hoài Ân.
Đánh chiếm chi khu quận lỵ Hoài Ân vào lúc 11 giờ ngày 19.4.1972 (ảnh tư liệu).
Sau một thời gian chuẩn bị, đúng 1 giờ sáng 9-4-1972, bộ đội ta khai hỏa tấn công Gò Loi - cứ điểm của địch án ngữ tại ngã ba Tân Thạnh (Ân Tường). Sau 20 phút chiến đấu, ta diệt gọn quân địch và hoàn toàn làm chủ trận địa. Tiếp đó, quân và dân huyện Hoài Ân cùng với Sư đoàn 3 dồn dập tiến công và nổi dậy, đánh chiếm các chốt điểm quan trọng, tiêu diệt lực lượng tiếp viện, giải phóng các xã và siết chặt vòng vây quận lỵ, đến 11 giờ ngày 19-4-1972, giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân với hơn 30.000 dân. Suốt 10 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt 3 tiểu đoàn cộng hòa, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác, diệt và làm tan rã toàn bộ 2 liên đội bảo an, 29 trung đội dân vệ, phá rã toàn bộ 16 trung đội phòng vệ dân sự; loại khỏi vòng chiến đấu 3.744 tên địch, bắt và buộc hàng 1.430 tên; thu và phá hủy 1.021 súng các loại, 4 xe M.113, 7 xe GMC, bắn rơi 10 máy bay lên thẳng... Đây là huyện đồng bằng đầu tiên của Khu V và miền Nam được giải phóng trong năm 1972. Chiến thắng là cơ sở để quân và dân ta tiếp tục giải phóng huyện Hoài Nhơn và phần lớn huyện Phù Mỹ, cắt đứt giao thông trên quốc lộ 1, tạo thế và lực mới cho chiến trường Bình Định, các tỉnh Khu V lúc bấy giờ.
Đài tưởng niệm chiến thắng Gò Loi
Chiến thắng giải phóng huyện Hoài Ân bắt nguồn từ đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, mà trực tiếp là sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Định, Huyện ủy Hoài Ân. Đó là chiến thắng của ý chí tự lực, tự cường; của tinh thần đấu tranh kiên trì, dũng cảm, mưu trí, vận dụng sáng tạo, phối hợp chặt chẽ ba mũi giáp công; kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, chớp lấy thời cơ để giải phóng, giành chính quyền về tay nhân dân.
3 năm sau đó, quân dân Hoài Ân không những chiến đấu đánh bại 9 đợt phản kích càn quét, lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Hoài Ân mà còn tạo hậu cứ, thế đứng chiến lược cho quân dân Bình Định tiến tới giải phóng toàn tỉnh ngày 31-3-1975. Bài học kinh nghiệm về sự phối hợp nhịp nhàng trong nghệ thuật ãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; sự phối hợp tác chiến giữa các đơn vị LLVT địa phương và chủ lực; giữa hoạt động vũ trang và phong trào nổi dậy của quần chúng trong giải phóng Hoài Ân mãi là mốc son trong kháng chiến chống Mỹ, còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đỗ Kiếm